Danh mục sản phẩm

Tin chuyên ngành

Cần cơ chế mạnh mẽ đảm bảo phát triển ngành điện trong tương lai

  • Thứ hai, 10:43 Ngày 14/06/2021
  • QĐND - Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ, sau khi Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII bỏ phiếu nhất trí thông qua các nội dung. Để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là nguồn lực. Trong đó, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển điện lực quốc gia.

    Đa dạng hóa cơ cấu nguồn điện.

    Trong tương lai, sự phát triển của ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn. Để thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân, yêu cầu đặt ra đối với ngành điện phải xác định được những chủ trương, giải pháp phát triển phù hợp. Bởi, nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu; sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) như gió, mặt trời dẫn tới những khó khăn nhất định trong vận hành hệ thống điện, các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực... Để vượt qua các khó khăn, thách thức, bảo đảm cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh (QPAN) của đất nước, cần thiết phải xây dựng Quy hoạch điện VIII. Quy hoạch sẽ định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch.

    Chia sẻ rõ hơn về quan điểm phát triển điện lực trong Quy hoạch điện VIII, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Dự thảo Quy hoạch điện VIII là công trình được nghiên cứu công phu. Cơ cấu nguồn điện sẽ được phát triển theo hướng đa đạng hơn, dành sự ưu tiên cao cho phát triển NLTT với cơ cấu và sự phân bố hợp lý hơn giữa từng khu vực, từng miền, không phụ thuộc vào bất kỳ loại hình nguồn điện nào; đồng thời hạn chế tối đa việc phát triển các nguồn điện gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường, phù hợp các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc chống lại các nguy cơ gây biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, dự thảo Quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện, trong đó tập trung xem xét trong giai đoạn quy hoạch 2021-2030, nhưng có định hướng đến năm 2045. Riêng đối với NLTT, năng lượng mới, dự thảo Quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến phát triển thêm và phân bố không gian theo vùng, địa phương, không đưa tên các dự án cụ thể. Quá trình lựa chọn danh mục các dự án cụ thể sau này sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương rà soát, nghiên cứu đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII được duyệt, quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án sẽ tuân thủ theo các quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu bảo đảm tính công khai, minh bạch. Theo quy định của dự thảo Quy hoạch điện VIII, sẽ không có việc chỉ định các nhà đầu tư mà phải thông qua đấu thầu.

    Cách nào huy động đủ 12-13 tỷ USD mỗi năm đầu tư điện lực?

    Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó: Vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện khoảng 95,4 tỷ USD (mỗi năm khoảng 9,54 tỷ USD), cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD (mỗi năm khoảng 3,29 tỷ USD). Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực lựa chọn trong giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỷ USD, trong đó: Vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện khoảng 140,2 tỷ USD (mỗi năm khoảng 9,3 tỷ USD), cho lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD (mỗi năm khoảng 3,4 tỷ USD). Như vậy, tính từ 2021-2045, nhu cầu vốn cho ngành điện sẽ vào khoảng 12-13 tỷ USD/năm.

    Theo dự thảo, quy mô vốn cho phát triển có xu hướng ngày càng tăng là do suất đầu tư của điện khí cao, đồng thời khối lượng đầu tư cho phát triển NLTT khá lớn nên góp phần làm tổng vốn đầu tư phần nguồn điện và toàn ngành lớn trong giai đoạn này. Theo đó, giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện được đề cập là từng bước tăng khả năng huy động tài chính của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả (vốn tín dụng ngân hàng, vốn viện trợ, chứng khoán,...) các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện, bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường.

    Theo TS Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, không đề cập đến cơ cấu nguồn vốn huy động từ đâu, điều này chưa phù hợp với định hướng và giải pháp quan trọng về tài chính xanh và ngân hàng xanh được đề cập trong Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị.

    Trả lời câu hỏi về vấn đề huy động nguồn vốn cho phát triển điện lực, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) cho biết: Nhu cầu vốn đầu tư 12-13 tỷ USD mỗi năm là thách thức lớn cho phát triển. Quy hoạch chỉ đưa ra tổng vốn huy động và giải pháp chính. Đó là tăng khả năng tài chính nội bộ của DN, tăng uy tín năng lực tài chính để vay vốn thuận lợi với chi phí thấp hơn. “Vấn đề nguồn vốn phức tạp nên với từng dự án thì chủ đầu tư phải lập nghiên cứu báo cáo phân tích khả thi, tính toán cụ thể. Cùng với đó, với nguồn vốn hằng năm huy động cao như vậy, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành điện thông qua cơ chế đấu thầu hoặc xã hội hóa đường dây truyền tải,... để huy động nguồn lực”, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết. Lãnh đạo Cục Điện lực và NLTT cũng chia sẻ, khi có cơ chế hợp lý, hài hòa về lợi ích thì sẽ có nguồn lực mạnh mẽ. Điều này nhìn từ các dự án nguồn NLTT vừa qua, trong hơn 2 năm, 16.000MW điện mặt trời chủ yếu do DN tư nhân đầu tư với tổng vốn tương đương 10 tỷ USD.

    Nguồn: Sưu tầm

    Liên hệ
    Miền Bắc
    Kinh doanh
    Mr. Tiến 096.996.5756
    Mr. Hải 039.343.9091
    Ms Phương 097.327.6504
    Mr. Tùng 096.996.8756
    Miền Nam
    Kinh Doanh
    Ms. Cúc 093.866.6995
    Ms. Nga 093.705.9968